Theo đó, từ 1/1/2025, một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo… được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu v được thanh toán 100%, đây là tin vui được người bệnh rất mong chờ, bởi sẽ làm giảm thời gian đi lại, giảm gánh nặng cho người bệnh.
Theo quy định về bệnh hiểm nghèo do Bộ Y tế ban hành, hiện có 42 bệnh trong danh sách này. Trong đó, có một số bệnh như: ung thư, lupus ban đỏ, ghép tạng, bỏng nặng, chấn thương sọ não nặng, bệnh xơ cứng rải rác, phẫu thuật thay van tim, bệnh xơ cứng rải rác, suy gan, đột quỵ, hôn mê, bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ, suy thận, thương tật toàn bộ và vĩnh viễn.
Tuy nhiên, theo Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), danh sách bệnh hiểm nghèo đã ban hành nhiều năm, cần được điều chỉnh, cập nhật phù hợp với mô hình bệnh tật và các tiến bộ trong điều trị. Bộ Y tế đang dự thảo thông tư ban hành danh sách bệnh hiểm nghèo, là các bệnh không phải xin giấy chuyển tuyến điều trị, phù hợp với quy định tại luật Bảo hiểm y tế sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.
Khi người bệnh đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao nằm trong danh mục của Bộ Y tế ban hành có thể đến thẳng trực tiếp cấp chuyên sâu, không cần xin giấy chuyển viện như hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang thực hiện tích hợp giấy chuyển tuyến trên điện tử để giảm thủ tục hành chính cho người bệnh.
Để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế, quy định mới cũng khẳng định rằng người bệnh sẽ được hưởng 100% quyền lợi bảo hiểm khi điều trị tại các cơ sở y tế tuyến trên, nếu bệnh của họ vượt quá khả năng điều trị của cơ sở y tế tuyến dưới.
Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 100 bệnh hiếm, với khoảng 6 triệu người mắc bệnh hiếm, trong đó 58% là trẻ em, 30% trong số đó tử vong trước 5 tuổi. Việc miễn giấy chuyển tuyến sẽ giúp bệnh nhân được điều trị nhanh chóng, không phải trải qua quá trình chuyển tuyến rườm rà, từ đó giảm thiểu thời gian và chi phí điều trị. Bởi lẽ hiện nhiều ca bệnh điều trị tại tuyến trên phải xin giấy chuyển tuyến hàng năm, vì cứ 31.12 hàng năm là hết hạn giấy chuyển tuyến được bảo hiểm y tế chi trả, người bệnh buộc phải làm thủ tục xin chuyển tuyến./.